Nhảy đến nội dung

Lịch sử thành lập Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn

Nhớ và ghi chép lại một cách rõ ràng những diễn biến từ lúc bắt đầu cho đến thành hình và tiếp tục phát huy cho đến ngày hôm nay rất là khó vì phải biên một cách trung thực, ngoại trừ người ghi chép phải là người đang ở trong sự kiện đó, chứng kiến một cách trung dung và ghi chép để lại cho người sau hiểu được một cách tường tận.

Tôi lớn lên trong khung cảnh học đường Phật học và được giáo dục thấm nhuần bằng những tư tưởng của Phật Giáo qua những lời dạy cao quí của Hòa Thượng, các bậc chân Tăng thạc học và các bậc trưởng thượng tại quê nhà Việt nam.

Năm 1979 sau khi miền Nam Việt Nam mất đi tự do tôn giáo theo đúng ý nghĩa của nó, tôi theo chân Hòa Thượng Thích Thiện Nghị vượt biên bằng đường biển để tìm sự tự do tôn giáo dù biết rằng những quốc gia Âu Mỹ chưa thực sự tiếp nhận sự có mặt của Phật giáo trước đây.

Sau một năm trường ở trại tỵ nạn Mã Lai, Pulau Bidong, 1980 Hòa Thượng đặt chân đến Canada thành phố Montréal là nơi đã tiếp nhận Hòa Thượng tạm làm quê hương thứ hai. Hòa Thượng đã mang trong trái tim của Ngài những hoài vọng phát huy Phật pháp mà Ngài đã thấm nhuận từ thuở bé đó là: thành lập một ngôi Chùa, tái tạo một Đại Tòng Lâm Phật giáo với Tứ Thánh Địa của Đức Phật: vườn Lam Tỳ Ni, Bồ Đề đạo tràng, Lộc Uyễn đạo tràng và Câu thi Na đạo tràng, cộng với những tôn tượng Phật Bồ Tát mang nhiều ý nghĩa cao thượng và cũng là nơi đào tạo tăng tài. Những diều này chỉ có thể thực hiện trên vùng đất hiền hòa mà Ngài hy vọng sẽ đem lại một luồng gió mát cho người phương Tây vốn chưa bao giờ hiểu được Phật giáo một cách thực tế.

Trong gần 8 năm tìm kiếm một địa điểm thích ứng với những điều kiện mà Ngài hằng mong ước, vào tháng 4 năm 1988 Hòa Thượng đã cùng các Phật tử tâm đạo tìm mua được vùng đất gồm 337 acres tại vùng Laurentides là nơi rất nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên của Québec với những đồi núi trùng trùng điệp điệp và những dòng suối thanh tịnh mang đủ sắc thái hiền hòa của Phật Giáo mà đức Phật đã dạy rằng: đất thiêng là nơi sẵn sanh những anh hùng hào kiệt.

"Vạn sự khởi đầu nan" nghĩa là muôn việc đều bắt đầu từ sự khó khăn. Với sự nhiệt thành của rất nhiều Phật tử muốn cùng Hòa Thượng phát huy Phật pháp tại Canada, với số tiền 10,000 đồng trong tay cộng với các Phật tử cúng dường và cho mượn, Hòa Thượng đã mua miếng đất trị giá 150,000 đồng. Ngày 20 tháng 9 năm 1988 Hòa Thượng đặt bút ký giấy mua đất mà trong lòng cảm thấy mãn nguyện vì HT sẽ thực hiện được vai trò hoằng pháp độ sanh của ngài tại xứ người. Nhìn những đồng cỏ xanh bao la, những dãy núi trùng điệp uốn cong như con rồng bay lượn trên nền trời xanh thẳm, những dòng suối chảy từ trên núi cao là những hình ảnh cao đẹp cho một công trình biến đổi nơi này thành một Đại Tòng Lâm Phật Giáo với danh xưng mang trọn ý nghĩa của nó TAM BẢO SƠN (đức Phật, tạng Kinh Luật Luận và chư Tăng Ni). Phật sự đầu tiên là sửa sang ngôi nhà nhỏ thành một Niệm Phật Đường tạm thời, sửa đổi trại chăn nuôi thành Tăng phòng. Vào ngày 27 tháng 10 năm 1988, buổi lễ An vị Phật được cử hành tại ngôi nhà nhỏ tạm làm Niệm Phật đường. Trong lời cám ơn cảm động Hòa Thượng đã chân thành phát nguyện trong vài năm sau thì nơi này sẽ là một trung tâm Phật Giáo được tất cả nhân loại dù là Phật tử hay không phải Phật tử cũng đều đến lễ bái kính ngưỡng.

Những buổi tu Bát Quan Trai, những tuần lễ An Cư kiết hạ, những ngày cuối tuần công quả tu học như trồng cây, cuốc đất trồng rau, bắp, khoai tây, đã biến nơi đây thành một trung tâm sinh hoạt rất quen thuộc không những cho Phật tử mà luôn cả cho người Canada hàng xóm.

1988-1990: xây dựng những con đường trong khuôn viên của Đại Tòng Lâm như đường Lục Độ, đường Phương Đẳng, đào hồ Trường Thọ và tổ chức An Cư kiết hạ khóa thứ sáu, thứ bảy và thứ tám.

 

Bồ Đề Đạo Tràng

Năm 1990 đặt đúc tôn tượng Phật Di Lặc cao 3 mét tại Thái Lan và tôn tượng Phật trong chánh điện Thiên Phật do Gđ Pháp Thắng, Đh D. Hiệp và Dương D.Hoa cúng dường. Cùng lúc đó tôn tượng Phật Thành Đạo cao 2,5 mét do Gd Phật tử Diệu Hiếu tại Chicago cúng dường.

Tháng 3 năm 1991 các tôn tượng từ Thái Lan về đến Đại Tòng Lâm. Tượng Phật thành đạo được thỉnh lên trên ngọn núi cao nhứt có cây Bồ Đề Birch Canada gồm một gốc cộng 7 nhánh cao 30 thước và tàng cây rộng bao trùm một vùng đất hơn 5 acres và đặc biệt bên đạo tràng là dòng suối Ni Liên từ trên đỉnh núi đỗ tràn xuống đồng bằng. Thỉnh tôn tượng lên núi bằng xe truck, ôm những bao cement 25kg bằng tay đi lên bằng đường bộ và những thân cây dài gần 30 thước được kéo bằng tay... tất cả đã được thực hiện bằng tấm lòng vì đạo của H.T và các Phật tử. Đức Phật đã ngự trên bệ cement được pha trộn đỗ bằng tay. Bồ Đề Đạo Tràng đã được khánh thành tại ngọn núi này vào ngày 3 tháng 8 năm 1991. Đạo tràng đã được tái kiến thiết vào năm 1995, 1998, 1999và năm 2010 đã được hoàn tất với cầu thang gồm 120 steps đưa tất cả những Phật tử đi hành hương được gặp Phật trên ngọn núi cao nhứt tại ĐTL.

Di Lặc đạo tràng Cùng năm 1991 đạo tràng đức Phật Di Lặc được thành lập và khánh thành cùng ngày 3 tháng 8. Trên một đồi núi nhỏ nằm ngay trước mặt tiền của Đ.T.L hình ảnh của Ngài tượng trưng cho sự hoan hỷ và nhẫn nhục. Với nụ cười hoan hỷ trên gương mặt từ dung đem lại niềm vui khoan dung và tha thứ cho tất cả.

 

Lam Tỳ Ni

Năm 1992 khởi công kiến thiết vườn Lam tỳ Ni và đào hồ Thùy Dương Liễu. Tượng Phật đãn sanh cao 1 mét, 7 đóa hoa sen, tượng Hoàng hậu Ma Gia cao 2 mét và con voi trắng sáu ngà tại Thái Lan do gia đình của Dh Diệu Thuần, gia đình họ Chung, họ Lưu và gia đình Diệu Mỹ D. Minh cúng dường. Tất cả được đặt đúc tại Thái Lan và về đến ĐTL vào tháng 5 năm 1993.

Vườn Lam Tỳ Ni được thành lập trong phạm vi hạn hẹp về tài chánh và hoàn cảnh. Đạo tràng này nằm dưới chân núi của Bồ Đề Đạo tràng và dòng suối Ni Liên từ trên đỉnh núi chảy tràn xuống rất đẹp mắt. Tôn tượng Đức Phật đản sanh với bảy đóa hoa sen, hoàng hậu Magia và con voi trắng sáu ngà đã được khánh thành vào ngày 28 tháng 7 năm 1993. Đạo tràng này đã được tái kiến thiết vào năm 1995, 1996, 1998, 2000 và 2009 thì hoàn tất.

 

Lộc uyễn đạo tràng

Vào tháng 8 năm 1993 khởi sự đặt tượng Phật chuyễn pháp luân và năm tôn tượng của năm anh em Ngài Kiều Trần Như tại Thái Lan do sự cúng dường của Thầy P. Tịnh, gia đình Đh Đào thị Hạt D.Hạnh, Đh Thọ Lạc, Chùa Hoa Nghiêm, Đh D.Mỹ, Đh D.Minh, gia đình D. Khoa, Đỗ D. Tâm, Như Lộc, D. Huệ, Mai D. Hiếu và Lâm Minh Hiền.

Tháng 6 năm 1994 khởi công xây dựng Lộc Uyễn đạo tràng và các tôn tượng về đến ĐTL. Ngày 27 tháng 8 năm 1994 khánh thành đạo tràng này.

 

Phổ Đà đạo tràng

Tháng 12 năm 1994 bắt đầu đặt đúc tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát bằng đồng cao 9 mét tại Thái Lan do sự cúng dường của 120 gia đình Phật tử ở Montréal và Toronto. Tháng 8 năm 1995 khởi công xây dựng Phổ Đà đạo tràng và tôn tượng về đến Canada. Và ngày 21 tháng 10 năm 1995 lễ khánh thành Phổ Đà đạo tràng được cử hành. Ngài Quán Âm cứu khổ cứu nạn đứng trong tư thế đối mặt với con đường Chemin de la Rouge là con đường chánh đến từ Montréal và từ Ottawa. Từ ngày đó thánh địa ĐTL càng mang nhiều sắc thái u tịch huyền diệu mà chỉ có ai đến lễ bái mới cảm nhận được qua gương mặt từ dung biểu lộ sự thương yêu của Bồ tát Quán Âm.

Đạo tràng Phổ Đà Sơn nằm trên ngọn đồi cao trọng tâm Đ.T.L. Đức Quán Âm đứng hướng mặt về con đường chánh chemin de la Rouge từ phía Ottawa thành phố. Với từ dung của Quán Âm Bồ tát đem lại nguồn an ủi, bao che, thương mến và cứu độ hằng lớp người mỗi năm đến hành hương lễ bái với niềm an lạc qua hình ảnh tôn nghiêm của Ngài. Ngày 21 tháng 10 năm 1995 dưới bầu trời mây đen đầy đặc trước giờ cử hành lễ khánh thành, từng tiếng niệm danh hiệu Quán Âm Bồ tát vang động cả khu rừng Đ.T.L, thật kỳ diệu mặt trời ló dạng, ánh vừng hồng rực rỡ cả một vùng đất của Đ.T.L, từng đoàn xe bus (hơn 60 xe) đã mang theo tùng đoàn Phật tử với tấm lòng vì đạo và với niềm tin kiên cố đến Đ.T.L. Tìng bước đi niệm Phật, từng ba bước lễ lạy chung quanh tôn tượng của Ngài, buổi lễ khánh thành đã được hoàn mãn và tất cả Phật tử đã được thỉnh nước Cam Lồ do các Thầy trì chú, dùng cơm Chùa và lên xe bus trở về Montréal trong niềm vui và niềm tin càng kiên cố vì đến 4 PM thì trời dông bão, nước mưa thay nước Cam Lồ sái tịnh đạo tràng được trang nghiêm hơn. Phổ Đà đạo tràng đã được tái kiến thiết năm 2001, 2003, 2006, 2008, và 2009. Riêng tôn tượng đã được sơn lại nhiều lần từ màu vàng, màu trắng, màu hồng và màu áo xanh nước biển. Hằng năm vào ngày lễ vía của Ngài (19/6) từng đoàn xe bus được tổ chức để đưa khoảng 6000 cho đến 7000 Phật tử lên lễ bái Ngài và lễ tứ Thánh Địa của Phật.

 

Chánh Điện Thiên Phật Tam Bảo Sơn

Cùng trong năm 1995 vào ngày 26 tháng 6 bắt đầu khởi công đào móng xây cất Chánh Điện Thiên Phật. Công trình đã được hoàn thành và ngày 29 tháng 6 năm 1996 lễ khánh thành Chánh điện thiên Phật gồm có 1000 tượng Phật trong 5 tư thế hoàng pháp độ sanh của Ngài và ngay giữa chánh điện tôn tượng Phật cao 4 mét được an trí trang nghiêm đã được cử hành trọng thể. Cũng cùng trong năm 1995 Chánh điện Thiên Phật và tăng phòng cũng đã được khởi công. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn về giấy phép, tài chánh với chi phí hơn 1 triệu rưởi. Chánh điện với tôn tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, và 1000 đức Phật mỗi Phật cao 30 cm đã được an trí. Đặc biệt chánh điện được xây cất bằng những cột cây đem từ Vancouver về và nóc Chùa với mái cong ngói đỏ là những hình ảnh cổ truyền của Phật Giáo. Ngoài ra những tấm tranh hình ảnh lịch sử của đức Phật đã được vẽ bằng tay trang trí trên vách tường chung quanh chánh điện và trên nóc chánh điện được trang trí hình bầu trời xanh biểu tượng cho sự giải thoát. Trong ngày khánh thành Tứ Thiên Vương đã xuất hiện trên nền trời bằng sự kết tụ các từng lớp mây cộng với vừng hào quang sáng rực vào ban đêm của ngày trước lễ khánh thành.

Cùng lúc đó Tăng phòng gồm hơn 12 phòng dành cho chư học Tăng Ni tại Đại Tòng Lâm cũng đã hoàn thành để chư Tăng Ni có chỗ tu học và ngơi nghỉ.

Bên cạnh đó nhà Tổ với hình của Tổ Ca Diếp và hơn 5000 quyển Kinh Tạng Luật và Luận đã được thành hình do những bàn tay nhiệt tâm vì đạo của các hàng chư Tăng và Phật tử đóng góp công sức để lưu lại cho hậu thế.

Tháng 11 năm 1996 bắt đầu đặt đúc tôn tượng Phật Nhập Niết Bàn dài 9 mét bằng đồng do 200 gia đình các Phật tử tại Montréal, Toronto và Winnipeg cúng dường. Vào tháng 11 năm 1997 tôn tượng về đến Canada.

Ngày 15 tháng 5 năm 1998 khởi công kiến tạo Câu Thi Na đạo tràng với đức Phật nhập Niết bàn đã được thành hình. Đạo Tràng này nằm trên ngọn núi thứ hai cao nhứt của Đ.T.L. Vì là đồi núi nên công trình thành lập đòi hỏi nhiều công sức và tài chánh. Nhưng với ý chí vững chắc Hòa Thượng, chư học Tăng và Phật tử đã can đảm bước qua để Phật sự được thành công. Ngày 22 tháng 7 năm 1998 lễ khánh thành đã được tổ chức long trọng và cảm động vì Tứ Thánh Địa đã được hoàn thành đúng như ước nguyện của Hòa Thượng mang theo khi bước chân xuống tàu rời bỏ đất nước Việt Nam tỵ nạn: lập Chùa, đào tạo tăng tài, lập Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn trong đó bao gồm Tứ Thánh Địa của Đức Phật, các tôn tượng của chư Phật, chư Bồ Tát và sẽ tái tạo nơi hải ngoại một trung tâm Phật giáo đúng ý nghĩa của nó.

Năm 1997 Ngũ Quán Đường và phòng nghỉ cho Phật tử được xây cất với chiều dài 30 thước bề ngang 12 thước bao gồm nhà bếp, phòng ăn gồm hơn 100 người và trên lâu là phòng nghỉ cho Phật tử cộng với phòng phát hành kinh sách pháp khí của Phật giáo.

Như vậy từ Chánh điện, Ngũ quán đường và Tăng phòng được nối nhau bằng con đường (tunel) có tên là Khốt Trang Nghiêm và được cấu trúc sưởi ấm để vào mùa đông không có gián đoạn việc tụng niệm và lớp học của chư Tăng Ni.

Cuối năm 1999 tôn tượng Phật khất thực cao 7 mét và tượng Ngài Hộ pháp cao 5 mét đả được đúc bằng đồng tại Thái lan và về đến ĐTL vào tháng 5 năm 2000. Cùng lúc đó các đạo tràng được khởi công và ngày 2 tháng 7 năm 2000 lễ khánh thành đã được tổ chức trọng thể.

Tôn tượng Ngài Hộ Pháp uy nghi đứng trong tư thế Bảo Sử Chấn Ma Quân giữ vững ngôi nhà chánh pháp của Như Lai luôn trường tồn và chư Tăng Ni luôn được sự bảo hộ che chở khuyến tấn của Ngài để truyền thừa Phật pháp. Tôn tượng Phật khất thực biểu tượng cho pháp môn tu tập phá chấp ngã mà phát tâm Bồ Đề cúng dường.

Tôn tượng Ngài Hộ Pháp biểu tượng cho sự vững mạnh và trường tôn của Phật pháp đã được kiến tạo. Ngài đứng trong tư thế của một vị tướng lãnh tay cầm cây Bảo Sử và đối mặt với cửa chánh điện. Sự oai phong uy nghi của Ngài đã đem lại niềm tin và sự an toàn của Thánh địa. Bên cạnh đó năm 2002 và 2004 thì 18 tôn tượng A la Hán và 4 tôn Tượng Tứ Thiên Vương đứng trong 4 hướng Đông Tây Nam Bắc gồm có: Quãng Mục Thiên Vương, Tăng Trưởng Tăng Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương.

18 tôn tượng A La Hán biểu tượng cho những chuyên môn trong sự tu học của hàng đệ tử Đức Phật và cũng tượng trưng cho tám vạn bốn ngàn pháp môn tu học của Phật dạy.

Đi đến Đại Tòng Lâm để lễ lạy đức Phật và đứng trong một cảnh giới không còn đua chen, thị phi, ganh tỵ mà chỉ có một tấm lòng giải thoát, không vướng bận, không phiền não, không tự ái ganh đua sát hại lẫn nhau nửa. Tất cả chỉ còn trở lại một Phật tánh trong hư không hoa tang thế giới mà thôi.

Năm 2003, 12 tôn tượng Quán Âm Bồ tát biểu tượng 12 lời nguyện của Ngài được an trí hai bên đường đi lên Phổ Đà đạo tràng với năm màu sắc khác nhau (xanh, vàng, đỏ, trắng và cam) trên tà áo của mỗi tôn tượng làm tăng thêm vẽ uy nghiễm linh diệu của Bồ tát Quán Âm cứu khổ cứu nạn, cảm ứng tùy nguyện độ sanh của Ngài.

Năm 2006-2007 Tượng Phật khất thực tượng trưng cho bản tánh diệt ngã tự ái cố chấp, sống vì lợi ích cho muôn người đã được thành lập. Tôn tượng cao 9 thước đứng trên tòa sen cao 1 thước và cả tôn tượng đứng trên bệ làm bằng cement cao 2 thước. Đạo tràng này nằm trên ngọn đồi ở giữa đường từ trên Bồ Đề đạo tràng xuống Chánh điện thiên Phật. Sau khi đức Phật thành đạo, Ngài quyết định áp dụng pháp môn tu bằng cách đi khất thực để Ngài dạy các hàng đệ tử của Ngài phương pháp diệt bãn ngã tự ái cố chấp của chính mình mà ai ai cũng có khi mang thân chúng sanh này. Vì ở lưng chừng núi nên công trình có phần trở ngại về vị trí và ngăn chặn những con đường của nước từ trên núi cao đổ xuống. Chung quanh tôn tượng cũng có 12 tôn tượng Quán Âm đứng tượng trưng cho lời dạy của Phật rằng: Nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ trì; nghĩa là một đức Phật ra đời thì sẽ có ngàn đức Phật theo để ủng hộ. Hình ảnh của đức Phật trong chiếc y màu cam, tay cầm bình bát độ sanh, cặp mắt nhân từ luôn luôn ngó xuống để nhìn thấy được tấm lòng vì đạo của tất cả những hàng Phật tử đi đến lễ bái. Bên cạnh đó là những khuôn mặt nhân từ bao dung của Quán Âm Bồ tát với những tà áo mang màu sắc khác nhau trong hào quang của Phật đã làm tăng thêm sự uy nghiễm cao đẹp của đạo tràng.

Năm 2008 Đại Hồng Chung Báo Ân cao 4 thước bằng đồng được đúc từ Trung Quốc đã được an trí trong lầu chuông trên ngọn đồi sau lưng Di lặc đạo tràng. Lầu chuông này do chính bàn tay khéo léo của chư Tăng (Đ.Đ. Pháp Tánh, Đ.Đ Pháp Liên, và một số các Phật tử Toronto Chùa Hoa Nghiêm, Chùa Tam Bảo Montréal phụ giúp). Buổi lễ khai chuông được cử hành vào tháng 6 năm 2008 bằng buổi lễ tụng 1 bộ Kinh Địa Tạng, và rồi tiếng chuông ngân nga đầu tiên đã được cử lên trên vùng đất hiền hòa của Đ.T.L trong ngày lễ khai mạc đã làm rất nhiều Phật tử rơi nước mắt vì trong lúc đó tiếng trống nhạc của chư Thiên vang lên trên nền trời trong xanh cua Đ.T.L và đức Quán Âm đã hiện thân chứng minh trong 15 phút. Với sự chứng kiến của rất nhiều Phật tử trong lúc đó, chúng tôi đã cảm động về sự mầu nhiệm mà từ lúc bé đọc trong Kinh điển thì bây giờ đã thành sự thực.

Năm 2009 vào tháng 5 hai tôn tượng Quán Âm Tống tử và Quán Âm cứu bịnh đã về đến Đ.T.L. Đức Quán Âm cứu bịnh do gia đình Phật tử Hương ở Winnipeg cúng dường và Quán Âm tống tử do các Phật tử Montréal Chùa Tam Bảo cúng dường. Đức Quán Âm cứu bịnh cao 3 thước bằng đông được đúc tại Trung Quốc và được an trí tại triền núi giữa Phổ Đà đạo tràng và Di lặc đạo tràng. Hình ảnh tôn tượng Quán Âm mặc chiếc áo trắng với những cành trúc màu xanh và hai đồng tử hầu 2 bên tượng trưng cho sự cứu độ tầm thinh cảm ứng, mà Phật tử đến lễ lạy Ngài đều khởi lòng tín ngưỡng sâu xa hơn. Đạo tràng Quán Âm tống tử cao 4 thước nằm ở giữa vườn Lam Tỳ Ni và Lộc uyễn đạo tràng, mặc áo màu tím và ẳm em bé trên tay với ý nghĩa rằng những ai có con khó nuôi, hoặc muốn cầu có con trai, con gái thì nên dùng tâm chân thành khẩn cầu thì sẽ được như ý nguyện. Vào ngày lễ khánh thành 2 tôn tượng vào tháng 8 năm 2009 mưa rơi tầm tã tượng trưng cho nước Cam Lồ tưới mát tất cả tấm lòng của những người con Phật đã không quảng ngại đường xa đến dự lễ Có hơn 6000 Phật tử lên tham dự và đều đứng dưới trời mưa cùng các thầy cử hành lễ rất long trọng. Đại Tòng Lâm trong hơn 20 năm qua, vào những ngày cử hành lễ khánh thành các tôn tượng, bầu trời rất trong sáng, nhưng đặc biệt ngày 2 tháng 8 năm 2009 thì trời mưa rất nhiều, rất yên tịnh và rất ẩm, điều đó để chứng minh rằng vì là Quám Âm cứu bịnh và tống tử nên phải có trời mưa mới đúng ý nghĩa cao đẹp trong lời nguyện của Ngài.

Năm 2010 Tượng Ngài Địa Tạng Bồ Tát cao 9 thước bằng đồng được đúc từ Trung Quốc do 85 gia đình của các Phật tử tại Montreal và Toronto cúng dường. Đặc biệt tên của các Phật tử cúng dường đều được khắc trên chiếc y của Ngài Địa Tạng cũng như tên của các người đã mất thì được khắc trên tòa sen của Ngài đứng. Tôn tượng đã được chuyễn bằng tàu thủy từ Trung Quốc đến Vancouver, và bằng xe truck từ Vancouver về đến Đại Tòng lâm vào ngày 8 tháng 7 năm 2010. Đạo tràng này nằm trên ngọn núi cao sau lưng Lộc Uyễn đạo tràng và đã được các Đại Đức tự tay làm từ mùa hè năm 2009. Ngày 5 tháng 9 năm 2010 lễ an vị sái tịnh tôn tượng đã được cữ hành trang nghiêm trong sự cảm động vui mừng của chư Đại Đức tăng Ni và các Phật tử đến từ Toronto, Montréal và các vùng phụ cân của ĐTL.

Có đến Đại Tòng lâm Tam Bảo Sơn mới thấy được sự tận tâm tu học và nhiệt tâm vì đạo của chư Đại Đức Pháp Tánh, Pháp Liên. Đi tìm chư tăng chỉ biết đi chứng minh cúng bái và tìm danh lợi dưỡng cho bản thân thì rất nhiều, nhưng tìm chư Đại Đức vì đạo quên mình dầm mưa dãi nắng tu học giãng pháp và lao dộng mà không màng lợi dưỡng cho bản thân thì rất hiếm có. Đi đến Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn thì sẽ thấy được những sự hy sinh tận tụy cao quý này của các Đại Đức và đó chính là những hạt ngọc trân châu trong thời pháp nhược ma cường nầy.

Những thời điểm đáng ghi nhớ trong lịch sử thành lập Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn đã được ghi lại từ những khó khăn của giấy phép, sự kỳ thị chủng tộc tôn giáo, cho đến tấm lòng vì đạo, sự kiên trì tu học không ham lợi dưỡng cá nhân của một số Tăng Ni Phật học đường Tam Bảo Sơn, và tấm lòng hy sinh vì đạo của các hàng Phật tử, nhứt là hình bóng cao quí của Hòa Thượng Viện chủ vì Phật sự nầy mà ngả bịnh cho đến ngày nay vẫn chưa được bình phục. Với sự tha thiết và sự mầu nhiệm linh ứng của chư Phật, chư Bồ tát, Hộ Pháp Long Thiên Già Lam Thánh Chúng, Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn ngày nay đứng vững như trụ đông và càng ngày Phật sự càng thăng quang. Với chủ trương đứng ra ngoài chánh trị, chỉ ở trong vị trí thuần túy của Phật giáo, hằng năm từ tháng 5 cho đến tháng 11, từng lớp Phật tử không những ở Canada từ các tỉnh bang mà còn có những Phật tử ở khắp các quốc gia trên thế giới và Bắc Mỹ đi hành hương tại Đại Tòng lâm càng ngày càng nhiều hơn. Dù sự xây dựng ĐTL đã có quá nhiều nước mắt, nhiều khó khăn từ tài chánh cho đến tâm đạo, nhưng tư tưởng hoằng pháp lưu truyền hậu thế của Hòa Thượng đã đi vào lịch sử Phật giáo tại Canada tỉnh bang Québec. Phật sự của Ngài đã và sẽ được truyền đăng kế tục từ các hàng chư Tăng mà ngài đã đào tạo. Các vị đang đi theo những bước chân của Ngài, tiếp tục và tiếp nối cho tận mãi ngàn sau (kế tục truyền đăng) để ngọn đèn Chánh Pháp còn cháy sáng mãi mãi.

Cúi đầu đãnh lễ ân đức của Hòa Thượng Viện chủ, với tâm tha thiết vì đạo và với sứ mạng kế tục truyềng đăng con đã nhìn sự hy sinh của Hòa Thượng để tiếp tục những gì Hòa Thượng đã làm, con đã theo chân Ngài vượt biên và đã thay thế Ngài gánh vác những Phật sự này sau khi HT ngã bịnh 2003 cho đến nay. Con dã sống trong hoàn cảnh từ những sự khó khăn ban đầu, con đã thấy, đã nghe, đã hiểu biết và hôm nay kính ghi lại với tâm thành nhân chứng cho những Phật sự cao đẹp này. ĐTL là ngọn đuốc soi đường cho hàng Tăng Ni Phật tử ở hậu thế. Kính mong quyễn gia phả của ĐTL Tam Bảo Sơn nầy sẽ được lưu lại cho hậu thế và kính mong ĐĐ Pháp Tánh đương kim trụ trì viện chủ Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn và Chùa Tam Bảo Montréal sẽ là hình bóng của một vị Thầy gương mẫu đang tiếp tục những Phật sự cao đẹp tại Canada nầy mãi mãi.

Kinh ghi
     Nạp tử Phổ Tịnh
 

Gia phả Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn